Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Dạy bơi cho trẻ: Một việc làm cấp bách

Để việc dạy trẻ học bơi được thực hiện một cách chủ động và hiệu quả, ngành giáo dục nên nghiên cứu để chính thức đưa việc dạy bơi lội vào bộ môn thể dục.

Image
Bé Bill - Bibi.vn
Dạy trẻ học bơi cùng những kỹ năng phòng tránh, cấp cứu đuối nước, là môn học rất cần thiết giúp các em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống và phòng tránh được tai nạn đuối nước.
Suốt một dải đất Việt nam vốn có nhiều sông, suối, kênh, rạch... lại thường bị lũ lụt, ngập úng. Từ thực tế những vụ chết đuối thương tâm của học sinh và trẻ em vùng sông nước cho thấy, việc dạy trẻ học bơi là việc làm cần thiết và tích cực để phòng chống đuối nước, giảm thiểu những cái chết oan uổng cho trẻ. 
Cho trẻ làm quen với nước và học bơi
Với trẻ nhỏ 3 - 5 tuổi cha mẹ nên cho con làm quen và chơi với nước (qua những trò chơi dưới nước) khi cùng con đến bể bơi. Khi trẻ bắt đầu vào tiểu học là đã có thể cho bé học bơi. Cần tìm hiểu và học qua giáo viên dạy bơi cách kiểm soát trẻ trong bể bơi, lên, xuống bể bơi an toàn. Nếu trẻ lớn hơn, nên chỉ cho trẻ biết môi trường bơi thế nào là không an toàn và các nguy hiểm trong nước sẽ rình rập trẻ (như sẽ bị sặc nước nếu nô đùa tìm nhau), khi trẻ không tuân thủ các nguyên tắc học bơi.

Với người dân ở những vùng sông nước, thì biết bơi là kỹ năng sống đầu tiên mà người lớn phải dạy cho trẻ nhỏ. Ở thành thị, những ngày đầu đưa con đi bơi, bạn nên tìm lớp đăng ký cho cả mình cùng học (lớp học chỉ nên có 10 cặp mẹ - con hoặc bố - con), mới có thể nghe rõ lời giáo viên và có nhiều không gian trong bể bơi.

Nếu bể bơi nước ấm thì càng tốt, vì sẽ giúp trẻ dễ chịu, thích nghi nhanh với nước hơn. Còn tại vùng nước nổi trong nhiều gia đình trẻ mới lên bốn, năm tuổi cha mẹ và người lớn đã chặt chuối, hoặc cột các trái dừa điếc (dừa khô không ruột) lại làm phao cho trẻ tập bơi. Song cần lưu ý là, khi trẻ bơi vẫn phải có người lớn canh chừng.

Quan trọng là phải cho trẻ làm quen với nước dần dần, đừng kỳ vọng quá mà ép trẻ phải học bơi nhanh làm trẻ sợ hãi và không muốn học nữa. Nên nhớ rằng trẻ phải mất vài tháng, thậm chí vài năm mới có thể biết bơi. Cuối cùng, dù trẻ có biết bơi thì vẫn cảnh báo nguy cơ khi tự ý bơi ở ao, hồ, sông, suối, chỗ nước chảy xiết, nước xoáy và nước sâu quá đầu mình.

Những nguyên tắc an toàn khi bơi
Các bậc cha mẹ chỉ cho phép trẻ học bơi ở những nơi an toàn, có người lớn biết bơi và cứu đuối tốt đi kèm. Trẻ chỉ được công nhận biết bơi, khi có thể bơi được 25m liên tục và tự làm nổi ít nhất 5 phút. Người lớn cần dạy trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi như sau:
  • Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
  • Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
  • Không bơi khi trời đã tối, có sấm, chớp, mưa.
  • Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
  • Phải khởi động trước khi xuống nước.
  • Không ăn, uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
  • Không dùng các phao bơm hơi.
  • Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.
  • Trẻ em vùng lũ không được tự ý đi lại, nghịch nước, bơi, bắt cá, vớt củi... khi nước lũ đang lên cao.
  • Nếu đang bơi gặp xoáy nước phải kêu cứu, đồng thời bình tĩnh làm cho nổi người lên bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy và bơi vào bờ.
  • Đối với trẻ lớn, cần dạy trẻ biết xử trí khi có đuối nước xảy ra (kêu cứu, kỹ thuật tự cứu và cứu đuối).
Những nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông đường thủy
  • Luôn mang theo áo phao bên mình.
  • Không lên tàu, thuyền khi đã quá đông (không đủ chỗ cho mỗi người ngồi).
  • Không chen lấn, xô đẩy khi ở trên tàu, phà, thuyền.
  • Tuyệt đối tuân theo những quy định an toàn trên tàu (không thò đầu, chân, tay... ra ngoài cửa sổ tàu, thuyền).

Theo Gia đình & Trẻ em

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét