Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Nên cho bé học bơi từ khi nào?

Được bơi lội tung tăng trong nước quả là điều rất tuyệt vời với con yêu của bạn, đặc biệt là vào những ngày hè nóng bức. Và bơi lội không chỉ để thư giãn mà còn giúp các bé rèn luyện sức khỏe, phát triển tốt hơn và tránh được những nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.
  
Tại Úc, trung bình mỗi tuần có một trẻ em chết vì đuối nước, đó đã là một con số đáng sợ. Ở nước ta, con số này còn nhiều hơn. Ngoài thiệt mạng, những trẻ còn sống sót sau đuối nước lại thường có di chứng của tổn thương não.

Đuối nước có thể xảy ra mà không có bất kỳ tiếng động cảnh báo nào, và khủng khiếp hơn, chỉ cần 20 giây là chúng ta có thể đã mất một đứa trẻ do ngạt nước rồi. Chúng ta hẳn đã đọc và nghe nhiều câu chuyện đau lòng của trẻ em chết đuối mỗi năm trên khắp đất nước, và lẽ nào chúng ta buông xuôi, bất lực?
Hãy cùng nghe một số lời khuyên tuyệt vời từ Gage CEO Ross – vận động viên bơi lội người Úc, và Michael Klim – người điều hành các lớp học trẻ sơ sinh ở trung tâm bơi lội Klim:

1. Bắt đầu sớm!
Việc bơi và học bơi của bé có thể bắt đầu lúc sáu tháng tuổi, khi hệ thống miễn dịch được coi là đã đủ phát triển để “đối phó” với một hồ bơi công cộng. Nếu không có điều kiện cho con đến hồ bơi hoặc không tìm được một hồ bơi đủ tiêu chuẩn cần thiết thì bạn cũng có thể cho bé chơi, làm quen với nước ngay tại nhà mình, vào trước giờ đi ngủ chẳng hạn.


Được làm quen với nước sớm sẽ giúp bé học bơi nhanh hơn.
VĐV Ross khuyên bạn có thể cho con làm quen bằng cách chơi trong bồn tắm với ‘mưa phùn’ nhẹ nhàng từ vòi hoa sen. Sau đó bạn bắt đầu dạy bé cách kiểm soát hơi thở bằng cách thể hiện điều đó trên khuôn mặt của mình. Bạn diễn giải 1 chút về ý của bạn rồi nói với bé “con sẵn sàng đi”, rồi nhẹ nhàng, từ từ đổ một chút nước lên đầu bé. Bé sẽ học được khá nhanh rằng bé cần phải nhắm mắt lại và hít một hơi. Bạn cũng có thể để cho bé xem bạn lặn dưới nước như thế nào và trở lại một cách vui vẻ và an toàn ra sao để bé biết không có gì phải sợ nước cả.
“Bạn càng sớm cho bé làm quen với nước với một mức độ thoải mái vừa phải thì sẽ càng tốt,” Michael nói. “Trẻ em càng sớm được thoải mái trong nước thì sẽ phát triển các kỹ năng bơi lội nhanh hơn rất nhiều.”

2. Đầu tư với các bài học bơi

Sau khi bé đủ tuổi, các bài học chính thức sẽ giúp bé có được sự thoải mái trong hồ bơi. Bé bắt đầu được dạy về an toàn với nước và các vấn đề cơ bản của bơi lội trong khuôn khổ, có cấu trúc nhưng vui vẻ.
“Việc của bạn bây giờ là cần tìm một lớp dạy bơi với giáo viên có trình độ chuyên môn được công nhận,” Michael khuyên. “Bạn cũng cần xem xét đến diện tích, sĩ số… của các lớp học để đảm bảo rằng con cảm thấy thoải mái với mức độ và sự chú ý từ giáo viên. Nếu có thể, bạn cũng cần quan tâm đến nhiệt độ nước tại đó để xem nó có phù hợp với sự thích nghi của bé không, để bé có thể khám phá bản thân một cách thích thú nhất khi ở trong hồ bơi!”

3. Hãy 
luôn không rời mắt!
Việc chính bạn để ý canh chừng là rất quan trọng để tránh nguy cơ trẻ bị đuối nước – bởi đã có hơn 70% trẻ học bơi bị chết đuối là từ nguyên nhân của sự thiếu giám sát. Vì vậy, nếu có thể, bạn nên sắp xếp thời gian ở lại cùng con vào những lần đưa bé đến tập bơi hoặc khi bé ở gần nước.

Melanie Courtney, giám đốc điều hành của Kidsafe Victoria nói: “Bạn không nên hoàn toàn tin vào khả năng bơi lội của con mình, vì bé vẫn còn là 1 học viên chứ chưa là một vận động viên, vì thế bất cứ lúc nào, điều tệ hại cũng có thể xảy ra. Thế nên, bạn cần phải luôn luôn giám sát khi bé lại gần nước. Và việc giám sát này có nghĩa là bạn phải luôn để mắt đến bé bất kỳ lúc nào. Nếu bạn phải rời khỏi hồ bơi, dù chỉ 1 chốc lát, bạn nhất định cũng phải đưa con đi cùng.
Bạn hãy bảo đảm nhấn mạnh cho con hiểu rằng bé chỉ được đến gần nước khi có người lớn canh chừng. Và tốt nhất bạn nên tránh gởi bé lại cho bất kỳ một người nào khác trông chừng, vì bạn không thể chắc rằng họ luôn luôn để tâm đến con bạn như bạn. 

4. Hàng rào bảo vệ
Ở Úc, một yêu cầu pháp lý cho tất cả các hồ bơi, khu nghỉ dưỡng… là phải luôn có các rào cản an toàn có cửa tự đóng hoặc có chốt với trẻ em. Nếu bạn có một hồ bơi ở nhà, bạn phải:
- Chắc chắn rằng không có những thứ như ghế, cành cây, kệ… có thể trợ giúp bé leo vào khu vực hồ bơi.
– Hàng rào bảo vệ và cổng luôn bảo đảm. Thường xuyên kiểm tra ốc vít, thanh chắn… để tránh chúng đã bị lung lay, dễ gãy… chúng luôn phải được bảo trì và sửa chữa nếu thấy có bất kỳ vấn đề gì.
– Không bao giờ cho phép bé tự ý mở cửa.
– Tránh “cám dỗ” bé bằng cách không để đồ chơi, dụng cụ bơi… xung quanh hồ khi không sử dụng. Chúng có thể khiến bé bất chấp mọi lời dặn dò để leo vào vui chơi 1 mình.

5. Biết những điều nhỏ nhặt
Bạn thường nghĩ chuyện đuối nước chỉ xảy ra với hồ bơi sâu, ở biển, sông, hồ hay một một bồn tắm đầy nước. Tuy nhiên, sự thật là trẻ nhỏ có thể bị chết đuối chỉ với một lượng nước rất ít – khoảng 5cm. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường có phần đầu nặng hơn, chân yếu hơn, và trong khi tò mò khám phá, chúng thường bị té chúi đầu xuống trước và hầu như không có khả năng để tự đưa mình thoát ra.
Do vậy, bạn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa xung quanh nhà mình. Luôn luôn để trống những xô đựng nước, đậy nắp hồ cá và các nơi có chứa nước mà bạn thấy không yên tâp. Bạn cũng nên có khóa an toàn với phòng tắm, toilet, nơi giặt giũ để tránh bé vào nghịch nước. Tại các bữa tiệc, nếu có uống bia rượu bạn cũng cần giữ bé an toàn với xô nước đá, tốt nhất không để trẻ lại gần.

Trong trường hợp khẩn cấp
“Kiến thức cũng là một phần quan trọng của an toàn nước,” Melanie nói, “kỹ năng sơ cứu có thể giúp bạn giành lại cuộc sống cho con. Vì thế, bạn nên ghi danh vào một khóa học sơ cứu, hồi sức và cập nhật các kỹ năng của mình thường xuyên để có thể ứng phó tốt nhất trong trường hợp khẩn cấp.”
Và hãy nhớ, trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi số cấp cứu ở nơi gần bạn nhất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét